Các vấn đề về tổ chức Tranh cãi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021

Lựa chọn linh vật chính thức

Vào ngày 26 tháng 10 năm 2019, fanpage chính thức của Cuộc thi sáng tác biểu trưng, linh vật, khẩu hiệu và bài hát của Đại hội Thể thao Đông Nam Á và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á 2021 đã công bố "Top 3 linh vật chính thức cho SEA Games 31". Theo bài đăng này, 3 bài thi "được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao nhất" trong số hàng trăm tác phẩm gửi về bao gồm: Nghê cười, Sao la và Hổ. Tuy nhiên, ngay khi các mẫu linh vật chính thức này được công bố, nhiều cư dân mạng Việt Nam đã rất bất ngờ và thể hiện sự không hài lòng bởi các tác phẩm này có quá nhiều khác biệt so với những linh vật đã nhận được nhiều lượt yêu thích trước đó (như Vàng, linh vật dựa theo nhân vật chú chó trong truyện ngắn nổi tiếng Lão Hạc của nhà văn Nam Cao)[15]. Nhiều người chê các mẫu linh vật này "xấu", "cũ kỹ", "như hình tranh vẽ trong sách lớp 1"[16], thậm chí còn dấy lên những nghi vấn về lựa chọn của ban tổ chức. Ban tổ chức sau đó phải rút lại bài công bố, cho biết các mẫu thiết kế này mới chỉ là sơ bộ và sẽ "làm việc nội bộ để chỉnh sửa, cải thiện độ thẩm mỹ"[17] Do đó, thời hạn công bố bài thi chiến thắng vào ngày 31 tháng 10 được lùi sang tháng 11 năm 2019, rồi một lần nữa bị hoãn vô thời hạn.[18]

Tháng 9 năm 2020, để chuẩn bị cho chiến dịch SEA Games 31 tại Hà Nội, ban tổ chức đã đăng tải hình ảnh biểu trưng và linh vật dự kiến của đại hội. Lần này, Sao la đã được chọn sau khi được chỉnh sửa từ bài dự thi trước đó, nhưng cũng không thể tránh khỏi những luồng ý kiến phản đối và chỉ trích nặng nề, chủ yếu từ người Việt Nam[19][20], kể cả sau khi nó được công bố là linh vật chính thức. Họ cho rằng nó thiếu thẩm mĩ và là một động vật xa lạ, không quen thuộc ở quốc gia này.[21] Trước những luồng ý kiến trái chiều về linh vật Sao la, tác giả linh vật Ngô Xuân Khôi cho rằng: “Nó là quý hiếm, đừng đòi hỏi sự quen thuộc". Ông cũng tiết lộ với báo Lao Động rằng một cán bộ thuộc Tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm tại Việt Nam (WWF) đã thừa nhận công tác tuyên truyền của tổ chức này trong hàng chục năm qua không hiệu quả như khi Sao la được chọn làm linh vật.[22]

Hoãn đại hội sang năm 2022

Đề xuất hoãn SEA Games 31 sang tháng 7 năm 2022 của Ủy ban Olympic Việt Nam ban đầu đã vấp phải sự phản đối của đa số thành viên trong Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), với lý do "lịch trình thể thao dày đặc" trong năm 2022 và "nhiều quốc gia đang trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội".[23] Bản thân các đoàn thể thao cũng chỉ được chính phủ cấp kinh phí phục vụ cho SEA Games 31 trong năm mà không có quỹ dự phòng cho năm sau[24], do đó sẽ tăng thêm gánh nặng tài chính nếu tiếp tục dời đại hội. Hơn nữa, việc trì hoãn SEA Games cũng được cho là sẽ gây ra bất lợi cho các vận động viên tham dự khi phải đối mặt với quá nhiều sự kiện thể thao diễn ra liên tục[25] và cho Campuchia - nước chủ nhà của kỳ đại hội kế tiếp.[24] Chủ tịch Ủy ban Olympic Malaysia (OCM) Mohammad Norza Zakaria tỏ ra thông cảm với tình hình dịch bệnh phức tạp ở Việt Nam tại thời điểm, nhưng nêu rõ quan điểm không đồng ý với đề xuất của nước chủ nhà. Nhiều ý kiến của cổ động viên Việt Nam trên mạng xã hội cũng đã kêu gọi hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ đại hội trong bối cảnh công tác phòng chống dịch cần được ưu tiên hàng đầu, cộng với việc tiêu tốn kinh phí rất lớn và uy tín thấp của sự kiện.[26]

Điều kiện sân bãi

Điều kiện cơ sở vật chất và tập luyện của một số môn, đặc biệt là bóng đá nam, đã nhận về những phản ứng tiêu cực của giới truyền thông và người hâm mộ. Các huấn luyện viên đội tuyển U-23 Myanmar[27] và U-23 Indonesia[28] đã lên tiếng phàn nàn về mặt sân không tốt của sân Tam Nông - sân tập được xây mới để phục vụ cho SEA Games 31. Thậm chí, đội U-23 Myanmar còn đề nghị đổi sân tập bởi sân Tam Nông "vừa xa, vừa không được bảo mật".[29] Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ - cho biết ban tổ chức địa phương mới ghi nhận thông tin qua truyền thông và mạng xã hội nhưng chưa nhận được lời phàn nàn trực tiếp của các đội bóng ngay cả trong họp báo.[30] Vị này khẳng định ban tổ chức luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho các đội bóng[29] và sẵn sàng "lắng nghe phản hồi từ các bên để điều chỉnh, khắc phục trong khả năng"[30]. Nhiều người hâm mộ Việt Nam và khu vực đã bày tỏ sự thất vọng về chất lượng mặt sân và mong muốn cải thiện để tất cả các đội có sự chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu.[31]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tranh cãi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 http://baobacgiang.com.vn/bg/the-thao/376630/nhieu... https://www.bbc.com/vietnamese/sport-57429879 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-57628553 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-61297511 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-61396147 https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61161302 https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbi... https://www.indosport.com/raket/20220526/media-chi... https://m.phnompenhpost.com/sport/gold-medal-favou... https://seagames2021.com/an-pham/bieu-tuong-cac-mo...